Tin Hoạt động kinh doanh

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Ngân hàng và doanh nghiệp cần “bắt tay nhau”

Dù nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC) đang được coi là chiếc “chìa khóa vàng” để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nông nghiệp Việt Nam nhưng bài toán vốn vay luôn là mối bận tâm hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Thực tế cho thấy cần những sự thay đổi mới trong chính sách của Nhà nước để ngân hàng và DN cùng bắt tay nhau đưa công nghệ vào NN.

Ngân hàng chưa “mở hầu bao”

Hiện nay, số lượng NH tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 20 trong trong tổng số gần 100 NH hiện đang hoạt động ở Việt Nam tham gia với tỷ trọng từ 20% trở lên trên tổng dư nợ cho vay (so với con số 6% năm 2008), còn hầu hết các NH không có hoặc có tỷ trọng cho vay NN rất thấp. 

Hạn chế là vậy nhưng lượng vốn có được từ ngân hàng lại chủ yếu chảy vào các nông hộ sản xuất nhỏ, lẻ. Trong khi đó, do tính đặc thù của các dự án CNC là cần nguồn vốn lớn trong thời gian dài, lâu thu hồi vốn, NH ngại ngần cấp vốn, hoặc nếu muốn cũng khó có đủ khả năng cho vay toàn bộ vốn đầu tư của dự án vì năng lực tài chính của các NHTM nhất là NHTMCP trong nước còn hạn chế. 

Nếu cho vay theo tỷ lệ đảm bảo an toàn chung như hiện nay là một khách hàng được vay không quá 15% vốn tự có của NH thì một NH không có đủ vốn theo tỷ lệ quy định để đáp ứng vốn cho một dự án lớn. Trong khi cho vay hợp vốn lại rất khó thực hiện bởi mỗi NH có một mục tiêu khác nhau hoặc không có cùng quan điểm trong khi thẩm định, đánh giá tài sản và hiệu quả của dự án.

Mở lối cho DN
Trong bối cảnh các dự án NN CNC đang loay hoay tìm vốn vay, NH TMCP Bắc Á đã trở thành NH tiên phong trong hoạt động tư vấn và phục vụ các doanh nghiệp đưa công nghệ vào NN quy mô lớn, đồng bộ. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay NN, nông thôn của Bắc Á chiếm hơn 59% tổng dư nợ cho vay, trong đó có phần vốn vay lớn dành cho các dự án NN CNC. 

Nhiều dự án NN CNC đã được Bắc Á chú trọng tư vấn tài chính như, Dự án Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững, Dự án trồng rau và hoa nhà kính định hướng xuất khẩu... Các dự án này sử dụng công nghệ cao của các nước tiên tiến trên thế giới như Israel, Thuỵ Điển, Newzealand… để sản xuất ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao trong NN phục vụ cho nhân dân và hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài. 

Đặc biệt trong đó, Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH được triển khai tại Nghĩa Đàn, Nghệ An đã đóng góp rất lớn cho ngành sữa Việt Nam. 

Chỉ sau 3 năm hoạt động, Tập đoàn TH với thương hiệu TH true MILK đã trở thành nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam. Doanh thu thuần năm 2013 là 3.500 tỷ đồng, dự kiến tới năm 2015 là 15.000 tỷ, 2017 là 23.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2015, TH đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu. Sự tham gia của TH trên thị trường sữa đã góp phần ổn định nguồn nguyên liệu sữa tươi trong nước, giúp giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu sữa của toàn ngành từ 90% xuống còn 70%. 

Những thành công này đã chứng minh hướng đi lựa chọn tư vấn phục vụ các DN NN CNC của Bắc Á là hoàn toàn đúng đắn. 

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á đánh giá: “Đây là những dự án mang tính phát triển bền vững nằm trong khuôn khổ định hướng chiến lược của Bắc Á Bank. Những dự án này mang lại lợi nhuận không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn tạo ra giá trị và lợi ích lâu dài cho xã hội”.

Hướng đầu tư này của Bắc Á đã tạo ra một cách làm mới, một tư duy mới về phát triển NN, nông thôn, mở lối thoát về vốn vay cho các DN tâm huyết với NN CNC. 

Tuy nhiên, các NH như Bắc Á muốn cấp vốn vay cho các dự án NN CNC phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, mà khó khăn trước hết chính là vốn và chính sách huy động vốn.

Gần đây, trong Hội thảo Giải pháp phát triển mô hình sẩn xuất NN quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao do Báo Nhân dân và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức, xung quanh chính sách tín dụng đối với các NH cho vay NN CNC, có nhiều ý kiến cho rằng các NH này cần được ưu tiên về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và không phải trích lập dự phòng rủi ro để tăng khả năng cung cấp vốn thị trường. 

Bên cạnh đó, Bắc Á cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng nguồn tín dụng tái cấp vốn cũng như nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài thông qua hình thức bảo lãnh Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ hoặc vay lại từ Ngân hàng Nhà nước với ưu đãi lãi suất để thực hiện đầu tư có hiệu quả, trọng điểm, tạo bước đột phá trong nông nghiệp, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, đưa nền nông nghiệp lên tầm cao mới.

NHNN, Bộ NNPTNT và Bộ Khoa học Công nghệ đã khảo sát và dự kiến lựa chọn 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…để thí điểm chương trình cho vay đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất rau màu…Dự kiến khoảng 2 năm sau khi kết thúc chương trình thí điểm, NHNN sẽ tổng kết và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.